Chỉ số LPI của Việt Nam xếp hạng 39/160 quốc gia
Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố kết quả khảo sát mới nhất về Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về bảng xếp hạng này?
Theo đánh giá mới nhất của WB, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát. Đây là kết quả tốt nhất của Việt Nam kể từ năm 2007, khi WB lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng của mình.
Đáng lưu ý, kết quả này có sự đóng góp phần lớn là do sự cải thiện về 2 chỉ tiêu “Năng lực và chất lượng của dịch vụ logistics” (tăng 29 bậc) và “Khả năng truy xuất lô hàng” (tăng 41 bậc).
Cụ thể, Chỉ số LPI gồm những gì, thưa ông?
LPI (Logistics Performance Index) là Chỉ số hiệu quả dịch vụ Logistics của quốc gia hay Chỉ số năng lực quốc gia về logistics. Theo đó, WB sẽ đánh giá hiệu quả của dịch vụ logistics của các quốc gia để các doanh nghiệp có cái nhìn đúng đắn về hệ thống logistics của từng quốc gia, đồng thời tính toán hiệu quả khi đầu tư kinh doanh.
Sau lần đánh giá đầu tiên năm 2007, bắt đầu từ năm 2010, WB đánh giá LPI định kỳ 2 năm/lần theo 6 tiêu chí, bao gồm Hiệu quả của quá trình thông quan thực hiện bởi Hải quan và các đại lý Hải quan (tốc độ thông quan, mức độ đơn giản của bộ hồ sơ thông quan và khả năng dự báo được các thủ tục sẽ thực hiện); Chất lượng cơ sở hạ tầng vận tải và thương mại (chất lượng cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống công nghệ thông tin…); Năng lực dàn xếp các lô hàng với giá cạnh tranh (bao gồm tổng chi phí lô hàng để có thể xuất khẩu/nhập khẩu: tức gồm giá bán/giá mua + chi phí vận tải + chi phí thông quan + bến bãi..); Năng lực và chất lượng của dịch vụ logistics (năng lực và chất lượng dịch vụ của nhà khai thác vận tải, của môi giới thông quan, của người kinh doanh giao nhận…).
Cùng đó, là khả năng truy xuất lô hàng (khả năng tìm kiếm truy xuất dữ liệu cho biết hàng đang ở đâu, đang trong công đoạn nào) và khoảng thời gian lô hàng đến điểm đích đúng lịch trình hoặc đúng thời hạn dự kiến giao hàng (khoảng thời gian kể từ khi hàng xuất xưởng cho đến khi hàng giao vào tay người nhận hàng theo lịch trình dự kiến, tính bằng thời gian vận chuyển nội địa + thời gian vận chuyển quốc tế + thời gian hàng trong bến bãi kho hàng và chờ thông quan…).
Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics
Theo ông, đâu là “vấn đề” lớn nhất cần tập trung khắc phục của logistics ở Việt Nam?
Các nghiên cứu cho thấy logistics trong nước đang phải đối mặt với những thách thức như sự chưa đồng bộ của kết cấu hạ tầng giao thông; Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đã có sự phát triển mạnh, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn; đa phần các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu là đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn… Một vấn đề quan trọng với khác với logistics, theo tôi là chi phí vẫn khá cao.
Vậy, Bộ GTVT sẽ làm gì để khắc phục vấn đề này?
Thực ra, không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, Bộ GTVT đã rất nỗ lực chủ động, cũng như phối hợp với Bộ Công thương để cải thiện tình trạng này. Việc tăng tới 25 bậc trong bảng xếp hạng của WB như đã nói trên chính là minh chứng rõ rệt.
Mới đây nhất, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt và khẳng định, Nhà nước luôn hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Thủ tướng cũng nêu rõ định hướng phát triển là tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Mục tiêu phát triển đã được hoạch định là đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường pháp lý minh bạch, cạnh tranh, lành mạnh. Mới đây nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định công bố cắt giảm, đơn giản 384/570 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT, tương đương 67,36%.
Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục nâng cao công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức để giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ; Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong kết cấu hạ tầng…
Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức Hội thảo riêng về các giải pháp kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông và giảm chi phí logistics trong lĩnh vực GTVT tại Hà Nội và TP HCM. Một kế hoạch tổng thể triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ được xây dựng đảm bảo thiết thực, khả thi, hiệu quả trong cả giai đoạn trước mắt và dài hạn.
Cảm ơn ông!
- CHỨNG TỪ BẮT BUỘC TRONG DỊCH VỤ XUẤT NHẬP KHẨU(05/05/2020)
- CẬP NHẬT BIỂU THUẾ XNK 2020(29/04/2020)
- HỢP NHẤT HAI THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ TRỊ GIÁ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU(29/04/2020)
- Việt Nam tăng 25 bậc trong bảng xếp hạng hiệu suất logistics toàn cầu(01/08/2018)
- Chi phí logistics cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thấp(01/08/2018)
- Phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics(01/08/2018)